Chúng ta thường đeo đồng hồ bên tay trái, nhưng vì sao lại như vậy, và đó có phải là một nguyên tắc bắt buộc phải tuân theo?
Bạn có từng thắc mắc tại sao mọi người đều đeo đồng hồ trên tay trái, cũng như lý do nhà sản xuất đồng hồ thường bố trí núm vặn hay nút bấm chức năng bên sườn phải của vỏ đồng hồ không?
Có bắt buộc phải đeo đồng hồ ở tay trái?
Đầu tiên vì mọi người thường đeo đồng hồ trên tay không thuận. Hầu hết mọi người đều thuận tay phải, điều đó cũng đồng nghĩa rằng họ sẽ đeo đồng hồ trên cổ tay trái. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Trên thực tế, có rất nhiều người thích đeo đồng hồ trên tay thuận.
Việc chọn đeo đồng hồ trên tay nào dường như không có ý nghĩa đặc biệt, trừ một số nền văn hóa mà ở đó, người dân có tập tục quy định việc đeo trang sức (bao gồm đồng hồ) phải đeo ở vị trí tay phải, ví dụ như ở Ireland.
Nhưng một việc mà đa số cùng làm liệu có trở thành chuẩn mực chung? Những người đi ngược với số đông có phải sai lầm?
Tay thuận thường vận động nhiều hơn
Vì tay thuận có xu hướng vận động nhiều hơn nên khi đeo đồng hồ trên tay thuận, chúng ta sẽ dễ vô ý làm xước hoặc nứt vỡ đồng hồ. Đây chính là lý do chính tại sao đa số người thuận tay phải sẽ đeo đồng hồ ở tay trái và dần trở thành một tiêu chuẩn phổ biến.
Ngoài ra, nếu bạn thuận tay phải và đeo đồng hồ bên tay này, chiếc đồng hồ có thể gây ảnh hưởng đến sự linh hoạt của cổ tay, khiến chủ nhân cảm thấy không thoải mái khi thực hiện các thao tác với tay phải.
Cụ thể, nhiều người thích đeo đồng hồ cỡ lớn tích hợp dây đeo bằng thép to bản, thì việc viết chữ, xoay cổ tay để cầm nắm đồ vật, hoặc thường xuyên di chuyển chuột máy tính… đều trở nên bất tiện hơn.
Theo dõi thời gian thuận tiện hơn
Nếu bạn thuận tay phải, bạn sẽ làm được nhiều việc hơn bằng tay phải. Điều này có nghĩa là khi tay phải đang bận làm việc khác, bạn vẫn dễ dàng kiểm tra thời gian nhanh chóng bằng tay trái mà không ảnh hưởng đến việc đang làm.
Điều chỉnh thời gian dễ dàng hơn
Phần lớn các nhà chế tác đồng hồ thường bố trí núm vặn hoặc nút nhấn chức năng ở cạnh phải của vỏ. Do đó, các thao tác điều chỉnh hay kích hoạt chức năng đồng hồ sẽ được thực hiện dễ dàng và thuận tiện hơn khi bạn đeo trên tay trái.
Ngược lại, nếu bạn đeo đồng hồ bên tay phải, bạn sẽ phải xoay cổ tay ở một góc độ khá bất tiện thì mới có thể tiếp cận núm vặn. Sau đó, bạn lại mất thêm một thời gian nữa để cài đặt thời gian.
Thậm chí, một số người không quen sử dụng tay trái còn phải tháo đồng hồ ra thì mới có thể điều chỉnh được. Ngoài ra, với đồng hồ cơ thường xuyên phải lên dây cót hoặc điều chỉnh thì đeo trên tay trái sẽ thuận tiện hơn trong quá trình sử dụng.
Có thể thấy, trên thực tế có đến 99% số đồng hồ được thiết kế để đeo tay trái, nên nếu không có nhu cầu đặc biệt cần đeo đồng hồ trên tay phải, ta vẫn ưu tiên đeo đồng hồ ở tay trái để thuận tiện hơn.
Lý thuyết là vậy, nhưng chúng ta không cần phải tuân theo bất kỳ “khuôn mẫu” nào khi đeo đồng hồ, cho dù bạn thuận tay trái hay tay phải. Mà quan trọng nhất chính là bản thân cảm thấy thoải mái.
Nhìn chung, việc đeo đồng hồ ở tay nào hoàn toàn phụ thuộc vào thói quen sinh hoạt, văn hóa quốc gia và không kém phần quan trọng là sở thích cá nhân của mỗi người.
Ngoài việc cân nhắc đeo đồng hồ trên cổ tay nào, chúng ta cũng nên lưu ý một số đặc điểm, như chọn đồng hồ phù hợp với độ tuổi, cá tính, màu da, dáng người cùng kích cỡ cổ tay.
Theo chia sẻ từ doanh nhân Phạm Huy Cận, một người có điều kiện kinh tế bình thường nên sở hữu 3 chiếc đồng hồ.
Trong đó, chiếc đồng hồ dây kim loại, thường để đeo trong sinh hoạt hằng ngày. Chiếc đồng hồ dây da sẽ sử dụng trong những dịp trang trọng hơn.
Đặc biệt, mỗi quý ông nên có một chiếc đồng hồ bằng vàng hồng, bởi vừa trẻ trung, hiện đại, nhưng cũng rất lịch lãm, cuốn hút.
Ưu điểm của chúng là phù hợp với nhiều màu da, và dễ kết hợp cùng trang phục.