Mở tủ quần áo ra, bạn thấy điều gì? Nếu chỉ nhìn ra toàn những thứ mà mình ghét thì haizz… Vậy là bạn đã cảm nhận được sự khác biệt giữa con người thật và hình bóng mà mình đang mải miết chạy theo rồi đấy.
Thử nhớ lại xem, đó từng là những món đồ bạn từng tốn công tốn sức nghiên cứu, tìm hiểu trước khi quyết định mua về. Tại sao nay chúng chỉ gợi lên sự thất vọng và nhận cái kết nằm chỏng chơ trong góc tủ?
Thời trang là nhận dạng bạn theo đuổi
Bạn mua trang phục để hướng đến hình mẫu A, nhưng thế quái nào vào một buổi sáng xấu trời, trong đầu bạn chỉ toàn là B mới cay…
“Tủ đầy quần áo nhưng chẳng có gì để mặc” còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn là khoảnh khắc bạn tự cười bản thân vào một buổi sáng nào đó trong tuần.
Có câu “Thời trang là nhận dạng mà bạn muốn/đang theo đuổi”, sẽ có lúc trí óc của bạn vô thức nghĩ đến một hình mẫu, tiêu chuẩn khác và điều này khiến bạn sẽ cảm thấy thiếu tự tin để mặc những món đồ mình đã mua.
Bạn mua trang phục để hướng đến hình mẫu A, nhưng thế quái nào vào một buổi sáng xấu trời, trong đầu bạn chỉ toàn là B mới cay…
Tệ hơn nữa là trường hợp bị thời trang chi phối đến mức mù quáng.
Đó có thể là những người không hài lòng, không chịu chấp nhận hình dáng cơ thể hiện tại, họ mua quần áo về vì nhìn thấy… hình người mẫu mặc đẹp rồi tự gieo vào đầu suy nghĩ quần áo sẽ vừa vặn và đẹp đẽ khi họ đạt được cân nặng, số đo ao ước…
Những người này có sức mua sắm điên cuồng hơn bất cứ ai và họ mang trong mình nỗi tiếc nuối cũng to lớn chẳng ai bì kịp.
Dọn dẹp tủ đồ
Làm sao để rút chân ra khỏi vòng xoáy nghiệt ngã trên? Yên tâm, bạn sẽ không bị bỏ rơi đâu. “Dọn dẹp tủ đồ” đang là từ khóa thịnh hành trong vài năm nay, là lý do để Marie Kondo, một chuyên gia về phong cách sống tối giản trở nên nổi tiếng bằng phương pháp thanh tẩy tủ đồ của riêng mình.
Marie Kondo phơi bày sức nặng của cảm xúc trong từng món đồ. Phương pháp của cô gái người Nhật là đối xử với đồ vật như những người bạn, khi ôm nó vào lòng, nếu trong bạn không lóe lên niềm vui (spark joy) thì có thể cảm ơn món đồ trước khi vứt bỏ hoặc chuyển cho chủ mới.
Bạn còn có thể áp dụng phương pháp trì hoãn bước mua, delay thật gắt như một vài hãng hàng không nọ ý.
Khi mua online, cứ để mặc kệ món đồ nằm trong giỏ hàng vài ngày đi. Sau đó nếu bạn vẫn nghĩ về nó thì có thể tiến hành mua với niềm tự hào rằng mình không hề mua sắm theo cảm tính. Và song song với đó là khả năng bạn quên tiệt về món đồ, vậy thì có gì đâu mà nuối tiếc nữa.
Còn có cả trò tự đặt câu hỏi trước khi đi đến quyết định nữa.
Liệu bạn có đủ tự tin mặc món đồ đó lên người và bước vào một cái phòng chật cứng người, ai cũng liếc nhìn không? Rồi với chất liệu như vậy, bạn sẽ thấy thoải mái mỗi khi mặc chúng lên người chứ? À, cái áo hay chiếc quần đó dùng đi làm, đi hẹn hò, dự tiệc liệu có ổn không?
Trên tất cả, tủ đồ cần phản ánh đúng con người, phong cách sống của chính bạn. Chúng ta phải cảm thấy thoải mái một cách tuyệt đối với những lựa chọn có trong đó.
Dọn dẹp đi những món bạn không còn mặc đến hay không còn “vừa vặn” với phong cách nữa là một khởi đầu tốt đẹp cho công cuộc tối giản và thiết thực hóa tủ đồ.
Hãy trở nên tàn nhẫn lúc cần thiết!